Suy thận mạn là chỉ các bệnh mạn tính về thận hoặc các bệnh toàn thân dẫn đến tổn thương tiến triển tổ chức thận, lâm sàng biểu hiện hàng loạt các hội chứng có tính chất đặc trưng ứ đọng các sản vật chuyển hóa trong cơ thể, như rối loạn thăng bằng nước điện giải, các chất kiềm toan, cho đến mất điều hòa chức năng nội tiết của thận. Do bệnh thường có sự tổn thương chức năng thận tiến triển mạn tính cho đến sau cùng là suy thận giai đoạn cuối, điều trị vô cùng khó khăn tiên lượng bệnh thường xấu. Suy thận mạn Y hoc cổ truyền xếp vào phạm trù của các chứng thận suy mạn tính, quan cách, long bế, niệu độc, hư lao.
Nguyên nhân gây bệnh
1. Cảm nhiễm ngoại tà
Phong nhiệt hoặc phong hàn xâm nhập vào cơ thể phế mất tuyên giáng và thông điều thủy đạo, tam tiêu mất lợi thấp trọc trở trệ, làm tổn thương tỳ thổ; hoặc ở lâu những nơi ẩm thấp, nhiễm phải nước mưa, thủy thấp xâm nhập làm khốn tỳ dương, không thể kiện vận được thủy thấp hoặc hóa sinh khí huyết, đều có thể khiến cho tỳ dương hư nhược, lâu ngày ắt ảnh hưởng đến thận, dẫn đến tỳ thận dương hư, thủy thấp trọc tà không được khí hóa mà biến sinh thành các chứng ứ đọng. Do cảm phải ngọai tà không đồng đều hoặc hàn hóa thương dương, hoặc nhiệt hóa thương âm, từ đó mà xuất hiện các chứng dương hư hoặc âm hư.
2. Ẩm thực không điều độ
Ăn nhiều đồ béo cay nóng kích thích lâu ngày, tổn thương tỳ vị, thấp tà nội sinh, thấp uất hóa nhiệt có thể dẫn đến thấp nhiệt uẩn kết, làm tổn thương tạng phủ, trở trệ khí cơ; hoặc ăn nhiều quá sinh hàn, tỳ dương bị thương không thể kiệm vận, tỳ hư hóa sinh khí huyết không đầy đủ, thận tinh tiên thiên không được nuôi dưỡng đầy đủ, đều có thể dẫn đến tỳ thận hư tổn, thấp trọc nội sinh, từ đó mà sản sinh ra bệnh.
3. Mệt mỏi quá độ
Sinh dục quá độ, phòng lao quá độ, thận khí nội thương, không thể hóa khí hành thủy mà dẫn đến thủy thấp nội đình; hoặc suy nghĩ quá độ, thể lao hao khí, tổn thương tỳ thận, hao thương khí huyết, có thể dẫn đến tỳ mất kiện vận thủy thấp nội đình dần dần trở thành bệnh.
4. Tình chí bị thương
Nộ thương can, bi thương tỳ, sợ thương thận. Nếu tình trí không thông, can khí uất kết, hoành nghịch phạm tỳ, tỳ vị mất kiện vận; hoặc khí cơ uất trệ, huyết hành mất thông sướng mà trở nên ứ huyết; hoặc khí uất hóa hỏa, thương đến can thận, can thận âm hư, thậm chí dẫn đến chứng can dương hóa phong.
5. Các nguyên nhân khác
Thủy thũng, lâm chứng, tiểu đường, bệnh kéo dài không khỏi, dẫn đến tỳ thận hư suy; hoặc là ăn bừa bãi các chất khổ hàn làm tổn thương tỳ vị, cay nóng thương âm; hoặc lạm dụng các loại thuốc có độc, đều có thể dẫn đến tỳ thận hư tổn, không thể thăng thanh giáng trọc, khí hóa mất bình thường, dẫn đến thấp trọc lưu lại, phát sinh ra bệnh.
Tóm lại, bệnh do rất nhiều nguyên dẫn đến, cơ chế phát sinh bệnh là tỳ thận hư suy thấp trọc ứ đọng là then chốt quan trọng nhất. Trong đó tỳ thận hư suy là bản, trọc độc ứ đọng là tiêu. Tỳ hư không thể thăng thanh giáng trọc, thận hư không thể khí hóa dẫn đến thanh trọc lẫn lộn, thăng giáng bất thường, vì vậy, có thể thấy các chứng bí tiểu, nôn, ăn kém, bụng chướng. Bệnh trình lâu dài, do khí, dương âm huyết, có thể xuất hiện các chứng khí huyết hư tổn, khí âm lưỡng hư, âm dương lưỡng hư. Trong quá trình diễn biến bệnh, ngoài trọc độc xuyên suốt quá trình bị bệnh từ lúc bắt đầu cho đến giai đoạn cuối còn có khiêm thêm các thực chứng thủy thấp, thấp nhiệt, phong tà, ứ huyết…, thậm chí có lúc có nhiều loại bệnh tà tương kiêm gây bệnh, kết hợp ảnh hưởng, từ những nguyên nhân gây bệnh đó tương hỗ chuyển hóa mà dẫn đến bệnh tình có xu hướng càng tăng thêm phức tạp.